Phá vỡ cấu trúc răng vì nhổ răng sữa sớm
Đa phần các trẻ khi 3-4 tuổi sẽ có 20 chiếc . Những chiếc răng sữa sẽ bắt đầu lung lay và rụng đi khi chân răng của chúng bị tiêu dần để răng vĩnh viễn mọc lên thay thế.
Răng sữa đóng vai trò quan trọng trong việc nhai, nói, thẩm mỹ và tạo chỗ cho những chiếc răng vĩnh viễn sau này.
Theo ThS.BS. Ngô Văn Quang – Phó Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản TP Đà Nẵng, khi răng sữa bắt đầu lung lay, không nên nôn nóng nhổ sớm vì việc này sẽ khiến trẻ đau, chảy máu nhiều và dễ gây ám ảnh làm trẻ sợ việc khám chữa răng sau này. Cũng cần khuyên trẻ đừng cố lắc mạnh để bẻ răng sữa khi chúng mới bắt đầu lung lay.
Theo BS. Quang, thời gian từ khi bắt đầu lung lay đến khi rụng một chiếc răng sữa thường mất vài tháng. Khi răng vĩnh viễn đã sẵn sàng thay thế, chiếc răng sữa sẽ càng lung lay nhiều. Đến khi răng gần như lỏng ra thì đứa trẻ có thể tự lắc nhẹ, tự lấy chiếc răng ra hoặc nhờ sự trợ giúp của bố mẹ.
Với cách lấy răng lung lay tự nhiên như vậy, sẽ ít chảy máu và giảm đi cảm giác đau đớn ở trẻ. Với lượng máu nhỏ bị chảy ra, có thể dùng bông y tế ấn vào chỗ răng rụng trong vài phút để cầm máu.
Nếu trẻ vô tình nuốt chiếc răng bị rụng vào bụng, các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng vì chiếc răng đó sẽ được thải ra ngoài theo phân.
Nhổ răng sữa khi mới bắt đầu lung lay, có nguy cơ phá vỡ cấu trúc răng của trẻ. Ảnh minh họa
Việc chủ động nhổ những chiếc răng khi mới bắt đầu lung lay sẽ khiến trẻ bị đau và mất nhiều máu. Ngoài ra, sẽ làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ của khuôn mặt, giảm sức nhai, sự tương tác giữa hàm trên và hàm dưới.
Bên cạnh đó, mất răng sữa quá sớm cũng có tác động đến việc học ngoại ngữ của trẻ, nhất là việc phát âm tiếng Anh (loại ngôn ngữ có cơ chế phát âm cần sự phối hợp nhiều ở phần trên và phần trước của miệng, bao gồm cả răng, lưỡi và môi).
Đặc biệt, khi răng sữa bị gãy quá sớm hoặc bị can thiệp “nhổ trước thời hạn” sẽ làm mất định hướng của răng vĩnh viễn dẫn đến mọc lệch khỏi vị trí ban đầu đồng thời làm hẹp cung hàm khiến răng vĩnh viễn bị thiếu chỗ và mọc chen chúc vào nhau, phá vỡ cấu trúc răng của trẻ.
Cách chăm sóc răng sữa hiệu quả
Theo các nha sĩ, chỉ trong trường hợp trẻ mắc các vấn đề răng miệng nghiêm trọng như răng sữa đau buốt, nhiễm trùng đã điều trị nhiều lần không khỏi; Răng sữa bị viêm cấp, viêm nhiễm ở chóp răng, viêm tủy lâu ngày, nguy cơ nhiễm khuẩn xuống vùng răng vĩnh viễn, mới cần đến sự can thiệp là nhổ chiếc răng đó đi để tránh những biến chứng, ảnh hưởng đến quá trình mọc răng vĩnh viễn sau này.
Ngoài ra, tốt nhất, phụ huynh không nên nhổ răng sữa của trẻ quá sớm và phải đến gặp nha sĩ càng sớm càng tốt khi có dấu hiệu các bệnh lý về răng miêng ở trẻ.
Với trẻ dưới 3 tuổi: Phụ huynh có thể đánh răng cho trẻ bằng nước sạch hoặc muối sinh lý. Không dùng kem đánh răng vì trẻ có thể nuốt kem đánh răng gây nhiễm flour làm ố men răng.
Trẻ trên 3 tuổi: Đánh răng thường xuyên bằng kem đánh răng, nên đánh răng sau mỗi bữa ăn, ít nhất là 2 lần/ngày. Lượng kem đánh răng cũng tùy thuộc vào lứa tuổi. Nên đánh răng theo chiều dọc từ trên xuống và ngược lại hơn là đánh răng theo chiều ngang vì đánh răng theo chiều dọc giúp làm sạch thức ăn thừa mắc kẹt giữa các răng hơn.
Trong trường hợp răng sữa của trẻ bị sâu, nên chữa sớm. Nhiều phụ huynh có quan niệm sai lầm rằng, răng sữa trước sau gì cũng rụng, không cần chữa. Điều này dẫn đến tình trạng sâu răng nặng và mất răng sữa quá sớm.
Trường hợp bị mất răng sữa quá sớm, cần đưa đi khám nha sĩ để làm phục hình răng như răng giả hoặc chụp mão răng để giữ chỗ trên hàm, giúp răng vĩnh viễn sau này mọc đúng vị trí.
Tốt nhất phụ huynh nên đưa trẻ đi khám nha sỹ định kỳ 6 tháng một lần để kiểm tra, điều trị sâu răng và các bệnh lý về răng sớm.
|