Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) và địa chỉ cung cấp dịch vụ điều trị PrEP tại tỉnh Nam Định
Trên thế giới, đã có những bằng chứng khoa học đã chứng minh hiệu quả điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP). PrEP là một chiến lược dự phòng HIV trong đó người chưa nhiễm HIV dùng thuốc kháng vi rút tenofovir/emtricitabine (TDF/FTC) để phòng lây nhiễm HIV.

Cấp phát thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) tại Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS và điều trị nghiên chất - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

 

Tại Việt Nam: Điều trị PrEP được triển khai thí điểm tại Việt Nam từ năm 2017 ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Đến nay, chương trình đã được nhân rộng tại 29 tỉnh/thành phố trên cả nước với 210 cơ sở điều trị đang hoạt động dưới sự hỗ trợ của PEPFAR và Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS. Từ năm 2020 đến nay, toàn quốc có 59.249 khách hàng có nguy cơ nhiễm HIV đã được điều trị PrEP. Trong đó có 79,1% khách hàng thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), 10,3% thuộc nhóm bạn tình dị nhiễm (vợ/chồng/bạn tình của người nhiễm HIV), 3,9% thuộc nhóm người bán dâm, 1,5% thuộc nhóm chuyển giới (TG), 1,3% thuộc nhóm tiêm chích ma túy (TCMT), 3,9% thuộc các nhóm khác. Khách hàng tham gia điều trị PrEP chủ yếu thuộc nhóm tuổi trẻ 15-29 (chiếm 63,3%).

          Tỉnh Nam Định: Điều trị PrEP được triển khai tại Nam Định từ quý II/2020 với 05 cơ sở điều trị đặt tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, BVĐK huyện Hải Hậu và Trung tâm Y tế các huyện Giao Thủy, Xuân Trường, Nghĩa Hưng. Các cơ sở điều trị PrEP tỉnh Nam Định hoạt động dưới sự hỗ trợ của Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS. Trong 10 tháng đầu năm 2022, tỉnh Nam Định đã tiếp nhận và điều trị PrEP cho 298 khách hàng, trong đó 30,9% khách hàng là người thuộc nhóm MSM, 32,2% thuộc nhóm bạn tình dị nhiễm, 18,1% thuộc nhóm người bán dâm, 17,4% thuộc nhóm TCMT còn lại thuộc nhóm khác. Tính từ thời điểm bắt đầu triển khai chương trình (Quý 2/2020) tỉnh Nam Định đã điều trị PrEP cho 386 khách hàng., trong đó 26,2% khách hàng là người thuộc nhóm MSM, 31,6% thuộc nhóm bạn tình dị nhiễm, 27,2% thuộc nhóm người bán dâm, 14,0% thuộc nhóm TCMT còn lại thuộc nhóm khác.  Khách hàng tham gia điều trị PrEP tại tỉnh Nam Định chủ yếu thuộc nhóm tuổi trẻ 20-39 tuổi (chiếm 66,3%, N=386). Trong đó, nam chiếm 48,7%, nữ chiếm 51,3% (N=386).

1. PrEP là gì?

- PrEP viết tắt từ tiếng Anh (Pre-exposure prophylaxis ), có nghĩa là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV. Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) là sử dụng thuốc ARV để dự phòng lây nhiễm HIV cho người chưa nhiễm HIV nhưng có hành vi nguy cơ nhiễm HIV cao.

Năm 2015, Tổ chức Y tế đã khuyến cáo các quốc gia cần triển khai cung cấp dịch vụ điều trị PrEP cho nhóm quần thể có nguy cơ cao nhiễm HIV như nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người chuyển giới (TW), người tiêm chích ma tuý (TCMT), bạn tình âm tính của người nhiễm HIV chưa điều trị ARV hoặc người nhiễm HIV đã điều trị ARV có tải lượng HIV từ 200 bản sao/ml máu trở lên.

2. Đối tượng chỉ định PrEP

Đối tượng phù hợp để sử dụng PrEP là người chưa nhiễm HIV và có nguy cơ cao nhiễm HIV như:

- Người nam có quan hệ tình dục đồng giới;

- Người chuyển giới nữ;

- Người bán dâm;

- Người tiêm chích ma túy;

- Bạn tình của người nhiễm HIV và người nhiễm HIV đó chưa điều trị ARV hoặc điều trị ARV nhưng tải lượng HIV chưa đạt ức chế vi rút (vẫn còn trên 200 bản sao/ml máu);

- Những người đã điều trị dự phòng sau phơi nhiễm với HIV (PEP) nhưng tiếp tục có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV cũng nên dùng PrEP.

3. PrEP có an toàn không?

Có! PrEP rất an toàn. Chỉ khoảng 10% số bệnh nhân có thể có "hội chứng bắt đầu dùng thuốc” (ví dụ: đau dạ dày hoặc đau đầu nhẹ). Thường nhẹ, tự hết sau1-2 tuần, và không dẫn đến việc ngưng thuốc; Có thể có sự giảm nhẹ, đảo ngược về mật độ chất khoáng ở xương và chức năng thận với tỷ lệ <1%; Chức năng thận được theo dõi chặt chẽ.

4. Hiệu quả của điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP)

PrEP có hiệu quả giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường tình dục lên tới 97% và qua tiêm chích lên tới 74% nêu tuân thủ điều trị tốt.

5. Địa chỉ cung cấp dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) tại tỉnh Nam Định

- Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS và điều trị nghiên chất – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nam Định, Địa chỉ: 162 Trần Nhật Duật, phường Trần Tế Xương, TP Nam Định.

- Khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu, Địa chỉ: Khu 3, thị trấn Yên Định, huyện Hải Hậu

- Khoa Truyền nhiễm – Trung tâm Y tế huyện Giao Thủy, Địa chỉ: Khu 4A, thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy

- Khoa Truyền nhiễm – Trung tâm Y tế huyện Xuân Trường, Địa chỉ: xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường

- Khoa Truyền nhiễm – Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Hưng, Địa chỉ: xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Hưng

Bài và ảnh: Trình Vũ

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH NAM ĐỊNH
Địa chỉ: Đường Phù Nghĩa - Tp Nam Định - Điện thoại: 02283-636673 - Fax: 02283-636673
Email: ttksbttnd@gmail.com