Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Vắc xin 5 trong 1 Pentaxim (Pháp)
Pentaxim hay còn được gọi là vắc xin 5 trong 1 do công ty Sanofi Pasteur sản xuất. Pentaxim là vắc xin dịch vụ, được tiêm tại các phòng tiêm vắc xin dịch vụ trong cả nước. Cũng giống như vắc xin 6 trong 1 Infanrix hexa, Pentaxim được dùng để chủng ngừa thay thế cho vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

 

 Pentaxim là vắc xin cộng hợp, giúp phòng ngừa 5 bệnh bao gồm: Bạch hầu, Ho Gà (Thành phần ho gà vô bào), Uốn ván, Bại Liệt và Hib. Đặc điểm khác biệt trong thành phần của vắc xin 5 trong 1 Pentaxim và Quinvaxem là:

  • Pentaxim không có viêm gan B, nhưng có thành phần Bại liệt
  • Quinvaxem trong thành phần không có Bại liệt nhưng lại có viêm gan B
  • Thành phần ho gà trong Pentaxim là ho gà vô bào.
  • Thành phần ho gà của Quinvaxem là ho gà toàn tế bào.

Thông tin kê toa tóm tắt của vắc xin Pentaxim

Tên thương mại: Pentaxim

Công ty sản xuất: Sanofi Pasteur

Xuất xứ: Pháp

Thành phần:

Sau khi hoàn nguyên, một liều Pentaxim 0,5ml có chứa:

  • Giải độc tố uốn ván ≥ 40 I.U
  • Giải độc tố bạch hầu ≥ 30 I.U
  • Các kháng nguyên Bordetella pertussis: Giải độc tố ho gà 25 mcg; ngưng kết tố hồng cầu dạng sợi (FHA) 25mcg.
  • Virus bại liệt bất hoạt tuýp 1: 40 DU
  • Virus bại liệt bất hoạt tuýp 2: 8 DU
  • Virus bại liệt bất hoạt tuýp 3: 32 DU
  • Polysaccharide của Haemophilus influenzae tuýp b: 10 mcg
  • Cộng hợp với protein uốn ván: 18-30 mcg
  • Tá dược: Hydroxyt nhôm, dihydrate 0,3 mg Al3+; Saccharose, trometamol, axit acetic và hoặc natrihydroxyt để điều chỉnh PH, formaldehyde, phenoxyethanol, glutaraldehyde, neomycin, streptomycin, polymycin B và nước pha tiêm.

Quy cách đóng gói – Dạng bào chế:

Hộp 1 lọ, lọ 1 liều vắc xin đông khô và một bơm tiêm có sẵn 0,5 ml vắc xin dạng hỗn dịch. Bơm tiêm có thể gắn sẵn kim tiêm hoặc kim tiêm tách rời.

Chỉ định:

Tạo miễn dịch chủ động để phòng ngừa các bệnh: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, và các bệnh nhiễm khuẩn do Hib (viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết…) ở trẻ em từ 2 tháng tuổi trở lên.

Lịch chủng ngừa:

Phác đồ tiêm 3 liều cơ bản:

  • Mũi 1 bắt đầu sử dụng cho trẻ lúc 2 tháng tuổi, các mũi tiếp theo cách nhau từ 1 đến 2 tháng.
  • Thông thường tiêm theo phác đồ của lịch tiêm chủng mở rộng: Tiêm vào các tháng tuổi thứ 2, 3, 4 của trẻ.
  • Mũi nhắc lại (mũi thứ 4) được tiêm cho trẻ trong năm tuổi thứ 2 của trẻ (từ 12 – 24 tháng tuổi).

Cách dùng – đường dùng:

  • Hoàn nguyên vắc xin bằng cách bơm hỗn dịch vắc xin (bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt) có sẵn trong bơm kim tiêm vào lọ vắc xin đông khô có chứa Haemophilus influenzae tuýp b. Lắc cho đến khi bột hòa tan hoàn toàn. Sau khi hoàn nguyên hỗn hợp có màu trắng đục là bình thường.
  • Vắc xin phải được sử dụng ngay sau khi hoàn nguyên.
  • Không dùng vắc xin khi phát hiện vắc xin có màu bất thường hoặc có vật lạ trong vắc xin
  • Vắc xin được dùng theo đường tiêm bắp, tốt nhất là ở mặt trước bên đùi của trẻ.

Chống chỉ định:

  • Cũng giống như tất cả các loại vắc xin khác, phải luôn chuẩn bị sẵn các phương tiện y tế để đề phòng shock phản vệ hoặc các phản ứng dị ứng nặng sau khi tiêm vắc xin.
  • Không được tiêm cho đối tượng mẫn cảm hay dị ứng với bất kỳ thành phần nào của vắc xin.
  • Không tiêm cho trẻ bị các tổn thương ở não: bệnh não tiến triển
  • Nếu lần tiêm trước của trẻ bị tổn thương ở não trong vòng 7 ngày sau khi tiêm vắc xin ho gà (kể cả ho gà vô bào hay ho gà toàn tế bào).
  • Hoãn tiêm ở các đối tượng đang bị sốt hay bị bệnh cấp tính.

Thận trọng khi dùng Pentaxim:

  • Không tiêm vắc xin vào trong lòng mạch máu.
  • Không tiêm vắc xin vào trong da.
  • Thận trọng với các trẻ bị giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu: vì có nguy cơ chảy máu khi tiêm bắp.
  • Thận trọng với các trẻ quá mẫn với các thành phần như: glutaraldehyde, neomycin, streptomycin và polymycin B vì trong quá trình sản xuất có dùng những chất này.
  • Trước đây trẻ có tiền sử co giật do sốt cao (không do tiêm vắc xin) thì vẫn cần phải giám sát chặt chẽ nhiệt độ của trẻ trong vòng 48h sau khi tiêm vắc xin. Và cần phải dùng thuốc hạ sốt đều đặn trong vòng 48h nếu trẻ bị sốt.
  • Trẻ từng gặp một hoặc nhiều các vấn đề sau đây liên quan đến việc tiêm vắc xin (đặc biệt là các loại vắc xin có thành phần ho gà)

    – Sốt trên 40°C trong vòng 48h mà không xác định được nguyên nhân khác;

    – Trụy mạch hay tình trạng giống như sốc với giai đoạn giảm trương lực – giảm đáp ứng (suy nhược) trong vòng 48 giờ sau tiêm;

    – Quấy khóc kéo dài hơn 3 giờ trong phạm vi 48 giờ sau tiêm;

    – Co giật trong phạm vi 3 ngày sau tiêm.

  • Nếu trẻ đã/đang có vấn đề về sức khỏe, hay bị phản ứng đặc biệt là dị ứng sau tiêm liên quan đến các mũi tiêm Pentaxim trước đây.
  • Nếu trước đây sau khi tiêm vắc xin có chứa giải độc tố uốn ván, bé bị hội chứng Guillain-Barré (nhạy cảm bất thường, liệt) hay viêm dây thần kinh cánh tay (liệt, đau lan tỏa ở cánh tay và vai), bác sỹ sẽ quyết định có tiếp tục dùng vắc xin có giải độc tố uốn ván nữa hay không.
  • Nếu trước đây bé bị phù nề, sưng ở chi dưới sau khi tiêm vắc xin có chứa thành phần Hib. Thì nên tách riêng tiêm vắc xin cộng hợp (Bạch hầu – ho gà – uốn ván – bại liệt) và vắc xin Hib ở hai vị trí khác nhau và ngày khác nhau.
  • Nếu trẻ bị suy giảm miễn dịch hoặc đang được điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch thì đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm vắc xin có thể bị giảm. Vì vậy tốt nhất nên tiêm sau khi trẻ khỏi bệnh hoặc kết thúc đợt điều trị. Tuy nhiên nên tiêm ngừa theo đúng lịch đối với trẻ bị suy giảm miễn dịch mạn tính (HIV), mặc dù đáp ứng miễn dịch bị hạn chế.

Tác dụng không mong muốn:

Các phản ứng thường gặp nhất là bị kích thích, tại nơi tiêm có quầng đỏ, nốt cứng lớn hơn 2cm. Các dấu hiệu và triệu chứng này thường gặp trong vòng 48h – 72h sau khi tiêm vắc xin. Tuy nhiên chúng thường tự khỏi mà không cần điều trị.

Các tác dụng không mong muốn sau đây đã được ghi nhận gồm:

  • Quầng đỏ, nốt cứng, đau tại nơi tiêm,
  • Sưng – phù ≥ 5cm tại nơi tiêm. Có thể lan rộng toàn bộ chi nơi tiêm trong vòng 24 – 72h sau tiêm vắc xin, và tự khỏi trong vòng 3-5 ngày. Tác dụng phụ này tỷ lệ gặp cao hơn ở những trẻ tiêm các mũi 3,4.
  • Sốt, đôi khi sốt ≥ 40oC
  • Tiêu chảy, nôn mửa, chán ăn
  • Buồn ngủ, co giật, giảm trương lực – giảm đáp ứng
  • Kích thích, dễ kích động, mất ngủ, xáo trộn giấc ngủ, quấy khóc
  • Các triệu chứng giống dị ứng: phát ban, hồng ban, mày đay, phù mặt, phù Quinke…
  • Phù sưng chi dưới (liên quan đến thành phần hib có trong vắc xin).
  • Sốc phản vệ (rất ít gặp)
  • Phải thông báo ngay cho bác sỹ những tác dụng không mong muốn gặp phải sau khi tiêm vắc xin

 

Bảo quản:

  • Vắc xin cần phải được bảo quản và vận chuyển ờ nhiệt độ từ +2°C đến +8°C.
  • Không được để đóng đá.
  • Bảo quản kín, tránh ánh sáng.
  •  
BẢN QUYỀN THUỘC VỀ TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH NAM ĐỊNH
Địa chỉ: Đường Phù Nghĩa - Tp Nam Định - Điện thoại: 02283-636673 - Fax: 02283-636673
Email: ttksbttnd@gmail.com